Du học Mỹ - Có vinh quang nào không nước mắt?

Ngày đầu đặt chân đến Mỹ, hành trang của Nguyên là sự kì vọng của cha mẹ, sự háo hức mong chờ được trải nghiệm một nền giáo dục toàn diện và hiện đại bậc nhất. Thế nhưng cuộc sống du học không hề chỉ có màu hồng như em tưởng tượng.

Sinh viên du học Mỹ Đỗ Thành Nguyên

Đỗ Thành Nguyên là du học sinh Việt Nam tại Mỹ từ lớp 9 với thành tích nhiều người mơ ước: điểm số GPA trong liên tiếp 4 năm trung học là 4.0, là thành viên của đội tuyển bóng rổ Varsity (đội top 4 của bang North Carolina) và cán đích với học bổng 100% từ ĐH Truman (trường được ví như Harvard khu vực Midwest).


Đằng sau những thành tích đáng ngưỡng mộ đó là những khó khăn, áp lực khi chạm tới “Giấc mơ Mỹ”.

Từ việc hiểu và cảm văn hóa Mỹ…

Văn hóa Mỹ với những giá trị liên quan đến sự đúng giờ và sự nghiêm túc với những cam kết là những điều Nguyên đã được dạy và cảnh báo trước khi đến Mỹ. Biết là thế, nhưng thực hiện lại là chuyện rất khác. Việc phải trả giá cho những quá trình hòa nhập là có thật với bất cứ du học sinh nào.

Chuyện mà Nguyên nói đến giờ vẫn chưa thể quên được là kỷ niệm liên quan tới việc đi bộ nhiều km dưới tuyết. Lần ấy, theo như thỏa thuận, Nguyên phải ra xe để về nhà vào cuối giờ học. Do mải chơi bóng rổ và chủ quan rằng người đón mình sẽ đợi vì xe chỉ đợi có mình Nguyên nên bạn đã ra trễ chưa tới 05 phút. Và kết quả là, khi ra đến nơi, xe đưa đón đã đi mất. Nguyên phải đi bộ dưới tuyết quãng đường nhiều km để về nhà.

Việc lên kế hoạch công việc cũng là phong cách sống của người Mỹ. Ở nhà, việc tiêm chủng đã có bố mẹ nhắc nhở, sang Mỹ, Nguyên phải chủ động lên kế hoạch. Và với những quy định ngặt nghèo về y tế và giáo dục, nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng, Nguyên có thể không được tiếp tục theo học. Chỉ bởi chưa cân đối thời gian hợp lý khiến Nguyên suýt phải trả giá cực kỳ cao về chỉ vì chưa đi tiêm chủng.

Và những khủng hoảng tâm lý vì áp lực học tập

Một cuộc điều tra của Trung tâm Sức khỏe thuộc Đại học Penn State cho thấy, 20% sinh viên tại Mỹ phải tìm kiếm việc điều trị sức khỏe tâm thần do áp lực học tập.

Những điều đơn giản với người Mỹ như lấy môn, việc đăng ký giáo sư, lập kế hoạch và lên lộ trình học tập… lại trở thành những vấn đề không hề đơn giản với sinh viên quốc tế như Nguyên. “Tất cả có thể đã hoàn hảo nhưng bạn chỉ cần lơ là chút xíu là mọi thứ hoàn toàn có thể đổ bể ngay lập tức. Mình có xíu mất cảnh giác khi vào kỳ đầu của đại học với niềm hân hoan khi được 100% học bổng của Truman. Mình đã phải điều chỉnh ngay lập tức khi thấy mọi thứ đang không như mình hình dung”.

Cậu cũng chia sẻ, cậu đã từng chứng kiến bạn cùng phòng của mình đối mặt với sang chấn tâm lý cũng như hội chứng tự kỉ. Với một cậu bé khi ấy còn chưa đủ 18 tuổi, nó thực sự là một nỗi ám ảnh lớn.

Tới những trải nghiệm sống quý giá

Sau những biến động và căng thẳng, Nguyên hiểu ra rằng để đối mặt với nó cần một phương pháp học đúng đắn, sự tập trung cao độ, không những vậy một thời khóa biểu hợp lý để bản thân có thời gian nghỉ ngơi là vô cùng cần thiết.

Trở thành thành viên của đội bỏng rổ Varsity đã giúp Nguyên tìm được niềm vui, hứng khởi mới sau giờ học căng thẳng. Những bàn thắng đẹp mắt đi kèm với sự tung hô của khán giả mang lại cho Nguyên niềm cảm hứng vô tận. Và khi ấy được tỏa sáng trên sân thi đấu là điều mà em khao khát nhất. Sau tất cả Nguyên nhận ra rằng: việc kiến tạo nên một bàn thắng cũng vinh quang không kém gì việc ghi bàn. Sự đoàn kết thực sự của một đội bóng mới chính là sức mạnh lớn nhất.


Làm sao duy trì được học bổng, giúp đỡ các cá nhân khác hay gắn kết tập thể đang là những mục tiêu mà Nguyên hướng tới bên cạnh việc học tập. Từ việc nhận được sư giúp đỡ từ những người bạn Mỹ tốt bụng vào những thời khắc khó khăn cho tới bây giờ, Nguyên hiện đã và đang lập kế hoạch về việc sẽ chia sẻ các kinh nghiệm về văn hóa và giáo dục Mỹ cho các bạn đang có nhu cầu đi du học trong những lần về nước tới đây.

Cuộc sống du học thực tế có vô vàn những khó khăn và sự đánh đổi. Không chỉ là những vinh quang mà còn là những giọt nước mắt và cả ý chí của việc vượt qua bản thân. Từ ẩm thực, thời tiết cho tới văn hóa sống, đặc điểm của hệ thống giáo dục… chưa khi nào là những thông tin cũ cho tất cả các bạn đan có nhu cầu đi du học.

Đọc thêm tại đường link: https://diduhocmy2018.blogspot.com/
Previous
Next Post »
0 Komentar